Chúng tôi là ai?

Chào các bạn, chúng tôi – những Linux System Administrator – đã lăn lộn với nghề cũng được gần 10 năm, hằng ngày chúng tôi vẫn miệt mài với công việc của mình và không ngừng đối mặt với các thách thức mới như: chống tấn công DDoS, xử lý server Overload, xử lý server bị hacker tấn công, tối ưu hóa hệ thống, học công nghệ mới … và đặc biệt là debug và fix các lỗi xảy ra. Mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm trong nghề nhưng bản thân tôi và các đồng nghiệp vẫn có nhiều lúc bế tắc trước sự cố hoặc tốn rất nhiều thời gian để xử lý … trong khi môi trường production thì không cho phép chúng ta nhiều thời gian như vậy! Đây có thể coi là khó khăn mà cũng là cái thách thức thú vị đối với ngành của chúng ta, công việc không bao giờ nhàm chán, chúng ta luôn phải tiến lên phía trước và áp lực không bao giờ là thiếu.

Ngành Linux System Admin không được chú trọng đào tạo nhiều trong các môn học chính quy ở bậc cao đẳng, đại học, phần lớn chúng ta đều phải tự học, tự trải nghiệm trong công việc để lớn lên. Các tài liệu trên mạng về Linux thì không thiếu, nhưng bởi vì nó quá nhiều và chính việc không được định hướng trong môi trường học đường nên khi bước chân vào nghề sẽ nhanh chóng bị mất phương hướng, không biết cần phải học gì để đáp ứng được nhu cầu công việc của xã hội, không biết cần phải rèn luyện kỹ năng nào cho bản thân để đi được đường dài trên con đường Linux System Admin này.

Đã và đang trải qua giai đoạn đó, chúng tôi, nhóm những người đang làm “nghề” Linux System Admin (Sysadmin) quyết định hồi sinh lại “Quản Trị Linux”, sân chơi dành cho các Linux Sysadmin – và chỉ xoay quanh Quản trị hệ thống Linux. Không giống với các diễn đàn/tổ chức khác, “Quản Trị Linux” không tập trung nhiều vào việc hướng dẫn cài đặt hoặc cấu hình dịch vụ, vì các bài hướng dẫn này đã có rất rất nhiều trên mạng Internet. Thứ chúng tôi muốn hướng đến là chia sẻ THỰC TẾ về các vấn đề Linux Sysadmin gặp hằng ngày trong công việc, kinh nghiệm xử lý chúng và các kiến thức liên quan. Chúng tôi mong muốn xây dựng một sân chơi “Quản Trị Linux” hoàn toàn THỰC CHIẾN, nơi các bạn có thể học hỏi, rèn luyện, định hướng cho bản thân và quan trọng nhất là GIÚP ĐỠ những người bạn làm cùng nghề với chúng ta.

Chúng tôi hy vọng “Quản Trị Linux” sẽ giúp đỡ được phần nào đó cho cộng đồng Linux Sysadmin Việt Nam, giúp đào tạo, định hướng được thế hệ trẻ ngày cài tài năng, góp phần vào việc giữ vững và phát triển “biên giới mạng” của Việt Nam

Đoàn Kết, Đoàn Kết, Đại Đoàn Kết
Thành Công, Thành Công, Đại Thành Công

Kế hoạch 2020

Trong năm 2020, chúng tôi hướng đến thực hiện 2 chiến dịch chia sẻ lớn là “KỸ THUẬT CHỐNG TẤN CÔNG DDOS” và “ZERO2HERO”

  • “KỸ THUẬT XỬ LÝ TẤN CÔNG DDoS TRÊN NỀN TẢNG LINUX”: sau gần 10 năm ăn ngủ cùng chống tấn công DDoS, trải qua hàng ngàn trận chiến sinh tử nay chúng tôi quyết định làm series chia sẻ lại cho anh em kiến thức về chống tấn công DDoS trên nền tảng Linux dành cho “con nhà nghèo” (không sử dụng Firewall cứng hoặc bất kỳ giải pháp enterprise tốn kém nào khác).
  • “SYSADMIN ZERO2HERO”: Chuỗi bài viết từ nhập môn cho các bạn mới làm quen với Linux và dẫn dắt từ từ để các bạn có thể tự thiết lập được 1 hệ thống hoàn chỉnh như Web server, Mail server, DB server, hệ thống Load Balancing, Firewall … mục tiêu của bài viết này chú trọng đến các công việc thực tế nhu cầu xã hội đang cần, cung cấp hành trang vững chắc cho các bạn trong sự nghiệp Sysadmin Linux. Song song bài viết dạng cầm tay chỉ việc, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện các video ngắn (dưới 5p) để các bạn dễ nắm bắt.
  • Một ý tưởng khác chúng tôi dự định thực hiện là “MỖI NGÀY MỘT TUYỆT KỸ”: mỗi ngày sẽ chia sẻ một kiến thức nhỏ, một kinh nghiệm hoặc tip/trick hữu ích và liên quan trực tiếp với nghề để anh em cùng nhau tiến bộ, tuy nhiên vì còn công việc chính phải làm nên chúng tôi không dám chắc sẽ duy trì được chủ đề này, nếu như các bạn cảm thấy chủ đề này hữu ích thì hãy chung tay đóng góp nội dung với chúng tôi để thực hiện.

Lời Kết

Chúng tôi cũng chỉ là các System Administrator như các bạn, hằng ngày vẫn làm việc và không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức mới, chúng tôi chưa chắc đã giỏi bằng các bạn, những kiến thức chúng tôi trình bày mang tính “chia sẻ” để cùng nhau phát triển chứ không mang tính “chỉ dạy” ai cả. Chúng tôi luôn trân trọng góp ý và phản hồi của các bạn để cùng nhau tiến bộ hơn, hãy phản hồi ngay với chúng tôi nếu các bạn cảm thấy nội dung nào đó chưa ổn, chúng tôi luôn mong chờ điều đó từ các bạn!